Đa phần mọi người trước khi quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ thì họ đều có một băn khoăn rằng: “Khi gửi tiền vào công ty bảo hiểm nhân thọ rồi công ty bảo hiểm nhân thọ phá sản thì sao?”. Vậy thì cùng với nỗi băn khoăn của tất cả mọi người, chúng ta cùng tìm hiểu xem Khi nào thì các công ty bảo hiểm nhân thọ phá sản nhé!
Nếu biết được thời điểm khi nào công ty bảo hiểm nhân thọ phá sản thì chúng ta có thể rút tiền về trước khi nó phá sản. Hoặc đơn giản hơn nữa là nếu thấy thời điểm phá sản gần quá thì chúng ta không tham gia bảo hiểm nhân thọ nữa. Quá dễ đúng không?
Sau một thời gian phân tích, tìm hiểu thì Sự Thật Bảo Hiểm đã rút ra 3 nguyên nhân chính – đáng lo ngại nhất sẽ khiến cho các công ty bảo hiểm có nguy cơ phá sản, đó là.
Lý do số 1. Không có thị trường (không có khách hàng)
Không có thị trường khách hàng là gì? Đó là chúng ta kinh doanh một sản phẩm nhưng lại không có nhiều người có nhu cầu về sản phẩm đó, nguồn cung luôn lớn hơn cầu (cung > cầu).
Nhưng với bảo hiểm nhân thọ thì sao? Theo như báo cáo mới nhất của Cục Quản Lý và Giám sát Bảo Hiểm (ISA) thì hiện tại ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 9% dân số có bảo hiểm nhân thọ. Như vậy còn có gần 91% dân số là chưa có bảo hiểm nhân thọ. Do đó đây là một thị trường rất tiềm năng.
Bạn có thể nghĩ rằng: “Vậy thì 91% có thể một thời gian ngắn nữa thôi là sẽ tham gia hết bảo hiểm, đạt tỷ lệ 100% tham gia bảo hiểm nhân thọ như vậy sẽ hết thị trường”.
Có một số thông tin mà Sự Thật Bảo Hiểm muốn chia sẻ với bạn, những quốc gia có nền bảo hiểm nhân thọ phát triển đến 400 năm như ở Mỹ hay ở Hồng Kông thì đã gần 200 năm.
Lấy ví dụ Ở Mỹ, đã gần 400 năm nhưng hiện tại có một số Bang thì tỷ lệ tham gia của người dân mua bảo hiểm nhân thọ mới chỉ đạt 70% đến 80% thôi. Gần 400 năm mà họ vẫn còn đến hơn 20% dân số chưa có bảo hiểm nhân thọ.
Còn ở Việt Nam thì sao? Tính đến thời điểm hiện tại, bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam mới có hơn 20 năm. Có đến đời con bạn, cháu bạn thì ở Việt Nam cũng không thể đạt được 100% dân số có bảo hiểm nhân thọ.
Vì vậy khi một công ty bảo hiểm nhân thọ kinh doanh sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm nhân thọ thì họ sẽ có thị trường rất là lâu dài. Nhiều năm, nhiều chục năm, nhiều trăm năm nữa chứ không thể nào hết thị trường trong một thời gian ngắn được.
Còn về bản chất, bảo hiểm nhân thọ được sinh ra là từ những rủi ro trong cuộc sống. Rủi ro là thứ chúng ta không mong muốn và nó có thể xảy ra bất kì lúc nào. Ở nơi đâu có rủi ro thì ở nơi đó sẽ có bảo hiểm nhân thọ.
Vậy khi nào cuộc sống này hết rủi ro? Có thể bạn sẽ nói rằng: “Khi chết là hết rủi ro”, nhưng mà khi bạn chết đi thì chỉ hết rủi ro với bạn thôi. Vẫn còn những rủi ro đến với những người thân của mình, những người khác vẫn còn đang sống. Vì vậy bảo hiểm nhân thọ sẽ trường tồn và sẽ không bao giờ bị “tuyệt chủng” được.
Cuộc sống vẫn luôn vận hành theo cách của nó. Ngày qua ngày, năm qua năm người già thì cứ chết đi còn trẻ em thì lại được sinh ra vì vậy bảo hiểm nhân thọ luôn luôn hoạt động, để khi người già chết đi họ cần một khoản tiền để lại cho con cháu sau khi trừ đi chi phí mai tàng. Còn những đứa trẻ được sinh ra cần có những khoản tiền đảm bảo để sau này có thể ăn, học, phát triển trong một môi trường tốt nhất!
Vì vậy các quỹ tích lũy tài chính, quỹ chăm sóc sức khỏe của các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ luôn là thứ mà khách hàng cần ở bất kỳ thời đại nào.
Thế nên lý do đầu tiên: công ty bảo hiểm phá sản vì không có thị trường (không có khách hàng) là không thể xảy ra.
Lý do số 2. Đầu tư thua lỗ
Đây cũng là một lý do khiến khách hàng hết sức lo lắng. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu xem nguy cơ công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tư thua lỗ ra sao nhé!
Công ty bảo hiểm sẽ thua lỗ và phá sản khi:
1. Lãi đầu tư nhỏ hơn lãi vay
Khi chúng ta muốn đầu tư kinh doanh bất kì cái gì thì việc đầu tiên chúng ta cần là vốn. Nếu chúng ta không có vốn sẵn thì sẽ phải đi huy động vốn, mà một hình thức huy động vốn phổ biến nhất là chúng ta đi vay tiền. Vay tiền từ người thân, vay tiền từ các trung tâm tài chính, vay tiền từ ngân hàng,… rất nhiều nơi để có thể vay tiền.
Và khi vay tiền, có một thứ chúng ta phải trả lại đó là lãi suất vay. Vậy khi mà kinh doanh mà phải sử dụng một khoản vay và phải trả lãi suất thì sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho người đi vay, đó là phải làm sao đầu tư số tiền vay đó vào một nơi nào đó để sinh ra lãi cao hơn lãi mình đang vay.
Nếu lãi đầu tư trừ đi lãi vay mà là số dương thì là đầu tư thành công và có lãi.
Ngược lại, nếu lãi đầu tư nhỏ hơn lãi vay thì như vậy chúng ta đang lỗ.
Vậy với bảo hiểm nhân thọ thì sao? Các công ty bảo hiểm nhân thọ có rất nhiều tiền để đi đầu tư và tất cả số tiền đấy đều thông qua việc huy động tiền từ mỗi một khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Nhưng với tất cả số tiền huy động đó công ty bảo hiểm không phải trả khoản lãi vay nào cho khách hàng cả. Vì đây đơn giản là khách hàng tham gia các kế hoạch hưu trí, các kế hoạch bảo hiểm nhân thọ một cách tự nguyện. Khách hàng gửi tiền cho công ty bảo hiểm để được công ty bảo hiểm chi trả trong các trường hợp không may rủi ro xảy ra.
Và công ty bảo hiểm dùng số tiền đó để đem đi đầu tư và cứ một năm tài chính kết thúc, công ty bảo hiểm sẽ xem rằng năm vừa rồi thực tế lãi suất đầu tư được bao nhiêu %? Họ sẽ giữ lại cho mình một khoản % nhỏ gọi là “tiền công đầu tư”, còn lại bao nhiêu % số tiền dư còn lại họ sẽ trả cho khách hàng. Như vậy bảo hiểm nhân thọ là một hình thức đầu tư mà không có lãi vay. Công ty bảo hiểm cũng không cần đi vay tiền của ngân hàng, vay tiền của các tổ chức tín dụng để có tiền mang đi đầu tư. Mà đây đơn giản là huy động nguồn vốn nhàn dỗi từ khách hàng.
Vậy với trường hợp phá sản do lãi đầu tư nhỏ hơn lãi vay là trường hợp thực tế không xảy ra với công ty bảo hiểm nhân thọ.
2. Đầu tư gặp rủi ro
Thế nào được gọi là rủi ro trong đầu tư? Đó là khi chúng ta đầu tư nhưng mà sinh ra lãi quá thấp hoặc không có lãi. Không đủ để duy trì tất cả bộ máy hoạt động của công ty, không đủ duy trì để trả các khoản lương thưởng cho nhân viên.
Trong bài viết Công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tư đi đâu, tôi đã giải thích với bạn rằng có đến tối thiểu là 65%, thậm chí có những công ty bảo hiểm dành đến 90% tiền của mình để đầu tư vào Trái phiếu chính phủ.
Trái phiếu chính phủ là một hình thức cho chính phủ vay tiền, nhà nước vay tiền với một kì hạn dài 10 năm – 15 năm hoặc 20 năm. Nhà nước sẽ dùng số tiền đó để mà xây các công trình như là cầu – đường – trường – trạm, các công trình phúc lợi và thu thuế của người dân để trả lại lãi cho công ty bảo hiểm. Do đó hình thức đầu tư trái phiếu chính phủ là hình thức đầu tư an toàn nhất tại mỗi quốc gia.
Tại sao lại như vậy? Tại sao các công ty bảo hiểm không dùng tiền để đầu tư vào chứng khoán, ngoại tệ, bất động sản, vàng, hoặc cho các tổ chức vay nóng vay tín dụng?
Trả lời: “Vì nguyên tắc đầu tiên khi các công ty bảo hiểm đầu tư đó là phải sinh lãi ổn định và an toàn, để đảm bảo khả năng chi trả trong dài hạn với khách hàng. Cho nên người ta nói rằng đầu tư vào Trái Phiếu Chính Phủ là hình thức đầu tư an toàn nhất.”
Nhưng mà đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cho nhà nước vay tiền thì bạn sợ rằng đến khi mà nhà nước “sập” hoặc gặp một sự kiện đảo chính chả hạn. Thì làm sao mà bạn có thể lấy được tiền?
Trả lời: “Ở Việt Nam chúng ta rất may mắn khi được sống trong một quốc gia có sự hòa bình và ổn định. Nếu trường hợp không may nhất khi bạn nói rằng là điều đó sẽ xảy ra. Thì chúng tôi muốn hỏi bạn rằng nếu chiến tranh xảy ra và chúng ta không còn nền hòa bình nữa, hay gặp những sự cố mà bạn đang lo lắng thì liệu rằng tất cả các khoản tiền mà bạn gửi ở các kênh tiết kiệm khác như ngân hàng, chứng khoán thì bạn có thể lấy được không?”
Cho nên những việc mà chúng ta đang lo lắng hóa ra lại là những điều mà chúng ta không thể kiểm soát được, những thứ đã ở tầm vĩ mô, tầm lớn hơn, những điều đó hãy để cho Chính Phủ, hãy để cho những người có thẩm quyền lo những vấn đề đó.
Còn công việc của chúng ta là hãy lo cho mình những thứ trước mắt và có thể kiểm soát được. Đó là mỗi buổi sáng chúng ta thức dậy, chúng ta phải đi làm để có thể kiếm thu nhập về nuôi sống gia đình. Vậy một ngày mai nếu không thể đi làm được nữa, không thể kiếm ra tiền nữa thì đâu là nguồn tài chính thay thế cho điều đấy?
Và lúc đó, bảo hiểm nhân thọ xuất hiện như là một giải pháp tài chính thông minh nhất!
Với những hình thức đầu tư mà tập trung vào trái phiếu chính phủ hay là các hình thức tiền gửi và tiền gửi có kỳ hạn để đảm bảo sinh lãi ổn định, an toàn và không có rủi ro thì trường hợp đầu tư gặp rủi ro gần như không xảy ra với các công ty bảo hiểm. Cho nên không phải lo nữa!
Lý do thứ 3. Công ty bảo hiểm nhân thọ rút vốn, thoái vốn ra khỏi Việt Nam thì sao?
Trước tiên, Sự Thật Bảo Hiểm muốn chia sẻ với bạn rằng: “Toàn bộ tiền các công ty bảo hiểm nhân thọ thu được tại Việt nam thì sẽ phải đầu tư tại chỗ (đầu tư tại Việt Nam). Không được phép mang sang nước ngoài để đầu tư” – Theo quy định trong luật kinh doanh bảo hiểm đối với các công ty bảo hiểm nước ngoài. Như vậy, bạn có thể hoàn toàn yên tâm.
Tuy nhiên có những tập đoàn bảo hiểm nhân thọ ở nước ngoài, họ mang vốn đến Việt Nam để đầu tư. Có thể có một thời điểm nào đó họ cảm thấy không thể cạnh tranh được với các công ty bảo hiểm nhân thọ hiện tại. Hoặc họ cảm thấy rằng hiện tại thị trường Việt Nam không tiềm năng nữa, họ muốn rút vốn để đi làm ở một nơi khác. Thì,
Trong mục III của luật kinh doanh bảo hiểm có quy định rất rõ: “Các công ty bảo hiểm nhân thọ khi muốn rút vốn thì phải làm thủ tục chuyển giao các quyền lợi, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của công ty mình cho một công ty bảo hiểm nhân thọ khác vẫn còn hoạt động. Và giữ nguyên các quyền lợi”.
Ví dụ: Khách hàng đang tham gia một hợp đồng bảo hiểm ở công ty bảo hiểm nhân thọ A, đã đóng phí 5 năm và còn phải đóng phí thêm 10 năm nữa. Thì khi công ty bảo hiểm A không còn muốn kinh doanh nữa, rút vốn thì toàn bộ khách hàng công ty A có thể chuyển giao cho công ty bảo hiểm nhân thọ B. Ở bên công ty bảo hiểm nhân thọ A khách hàng có quyền lợi như nào thì sang công ty bảo hiểm nhân thọ B, khách hàng được giữ nguyên quyền lợi như vậy. Đang đóng phí như nào? Đóng phí bao năm? thì sang công ty bảo hiểm nhân thọ B vẫn giữ nguyên như vậy.
Như vậy với các hạng mục kinh doanh bảo hiểm nhân thọ thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Vì nhà nước đứng ra quản lý và có một cơ chế rất rõ ràng về hoạt động cho bảo hiểm nhân thọ công bằng giữa tất cả công ty bảo hiểm trong và ngoài nước.
Với mỗi quốc gia phát triển thì luôn có ba trụ cột tài chính để làm lên một nền kinh tế vững mạnh đó là: NGÂN HÀNG, CHỨNG KHOÁN, BẢO HIỂM.
Vì vậy, bạn đừng bất ngờ nếu thời gian tới Chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh sự phát triển của Bảo hiểm Nhân thọ.
Tham gia Bảo hiểm Nhân thọ – ÍCH NƯỚC LỢI NHÀ!
Lời kết: Tất cả những gì chúng ta lo lắng đã được nhà nước quản lý, đã được toàn bộ thế giới công nhận thì chúng ta có thể yên tâm. Những rủi ro mang tầm vĩ mô là những thứ chúng ta không kiểm soát được, vì thế đừng cố để kiểm soát. Hãy lo những điều trước mắt, có thể xảy ra với mình mỗi ngày chúng ta đi làm để đảm bảo cuộc sống cho gia đình và đảm bảo cuộc sống cho chính bản thân mình với những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Nguyễn Thành Trung – CEO Suthatbaohiem.com
Vui lòng ghi rõ nguồn bài viết: https://suthatbaohiem.com khi muốn Copy bài viết. Chân thành cảm ơn!
Cảm ơn bài viết rất hay và hữu ích của bạn!
Cảm ơn Thanh Sang ^^
thật ý nghĩa. Cảm ơn bài viết của anh