tai sao hop dong bao hiem nhan tho khong co chu ky song

Tại sao hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không có chữ ký sống?

Với xu hướng hiện nay, các công ty bảo hiểm đang thay đổi rất nhiều về việc áp dụng công nghệ số vào việc tư vấn và quản lý hợp đồng bảo hiểm.

Ngày xưa, có khá nhiều thủ tục và giấy tờ được sử dụng, nhưng hiện nay thì: Tư vấn bằng công nghệ, ký hợp đồng bằng công nghệ, quản lý hợp đồng bằng công nghệ, yêu cầu chi trả bồi thường bằng công nghệ, chuyển tiền đóng phí hoặc thanh toán quyền lợi thông qua chuyển khoản…

Càng ngày, các thủ tục hành chính cần sử dụng giấy tờ càng ít đi, hướng đến mục tiêu “paperless” (không giấy tờ) của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Tiên phong trong công cuộc đổi mới này phải kể đến Manulife, Prudential, AIA, Chubblife, FWD, BIDV Met Life,…

Vấn đề đặt ra ngày hôm nay: Các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được ký kết không có chữ ký sống (chữ ký tươi) của người đại diện doanh nghiệp bảo hiểm mà chỉ có chữ ký điện tử (chữ ký số, chữ ký hình ảnh, chữ ký âm thanh, chữ ký scan…) thì liệu có rủi ro gì không? Giải thích vấn đề này sao cho thỏa đáng.

Bài viết hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu!

Đầu tiên, chữ ký điện tử là gì?

Chữ ký điện tử (electronic signature) là một dạng chữ ký số hóa, sử dụng công nghệ thông tin để xác nhận danh tính và sự chấp thuận của người ký đối với nội dung của một tài liệu điện tử. Chữ ký điện tử có giá trị pháp lý tương đương với chữ ký tay và được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch điện tử, bao gồm ký kết hợp đồng, nộp hồ sơ trực tuyến, và các giao dịch ngân hàng (Tham khảo thêm Wikipedia).

Như vậy, chữ ký điện tử là hợp pháp và có giá trị pháp lý. Cụ thể hơn, chúng ta hãy cùng xem Luật Giao dịch điện tử năm 2005, đã nêu rõ:

“Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký” (khoản 1 Điều 21).

Chữ ký số thường nhầm lẫn với chữ ký điện tử và nhầm lẫn có thể thay thế cho nhau.
“Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác: (i) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa; (ii) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên
.

Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử trong trường hợp pháp luật quy định bằng văn bản tại Điều 24 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP) quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này”.

Bộ luật Dân sự năm 2015 lần đầu tiên ghi nhận hình thức “giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản” (khoản 1 Điều 119). Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thừa nhận một cách rõ ràng hợp đồng điện tử có giá trị như văn bản.
Khoản 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2011, 2019 (Luật Kinh doanh bảo hiểm) định nghĩa như sau: “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”. Bảo hiểm nhân thọ là “loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết” (khoản 12 Điều 3) cho nên thuộc hợp đồng bảo hiểm con người.

Điều 33 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 định nghĩa: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu”.

Như vậy, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử được lưu trữ dưới dạng các dữ liệu điện tử và có tính pháp lý như dữ liệu văn bản.

chu ky dien tu la gi

Với chữ ký điện tử:

  • Có thể xác định được người ký: Chữ ký điện tử phải gắn liền với người ký và có thể xác định được danh tính của người đó (thường là CEO của các công ty bảo hiểm tại thời điểm ký kết)
  • Bảo đảm tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu: Thông điệp dữ liệu (nội dung hợp đồng) phải không bị thay đổi kể từ khi ký và được lưu trữ bởi khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.
  • Được sự chấp thuận của các bên liên quan: Các bên trong hợp đồng phải đồng ý sử dụng chữ ký điện tử. Tuy nhiên, khách hàng vẫn cung cấp chữ ký sống để công ty bảo hiểm lưu trữ lại nhằm đảm bảo các giao dịch trong tương lai của khách hàng.

Lợi ích của việc dùng chữ ký điện tử với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ?

loi ich cua chu ky dien tu

Mỗi công ty bảo hiểm phát hành mới vài chục nghìn (thậm chí vài trăm nghìn) hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới mỗi tháng, từ đó ta có thể nhận thấy những lợi ích rõ ràng của việc sử dụng chữ ký điện tử trong ký kết hợp đồng:

1. Tiết kiệm thời gian và chi phí

Việc sử dụng chữ ký điện tử giúp tiết kiệm thời gian và chi phí liên quan đến việc in ấn, vận chuyển và lưu trữ các tài liệu có chữ ký tươi. Chữ ký điện tử có thể được áp dụng nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Bạn hãy thử tưởng tượng: Nếu hợp đồng bảo hiểm nào cũng cần CEO của các công ty bảo hiểm ký trực tiếp thì 8 giờ mỗi ngày người CEO đó ký được bao nhiêu văn bản? Và nếu như vậy, họ còn có thời gian để làm việc khác hay không? Và điều gì xảy ra nếu khách hàng gặp rủi ro (sự kiện bảo hiểm) trong quá trình hợp đồng đang chờ CEO ký?…

Cùng một mục tiêu: Là cấp phát hợp đồng nhanh nhất có thể để bảo vệ khách hàng kịp thời thì tại sao chúng ta không dùng cách thức hợp pháp và nhanh chóng hơn? Đó chính là sử dụng chữ ký điện tử.

Với việc sử dụng chữ ký điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cần đưa ra các tiêu chí và quy trình để thẩm định, cấp phát hợp đồng:

  • Khách hàng được tư vấn và đồng ý tham gia
  • Khách hàng kê khai tình trạng sức khỏe và tài chính
  • Khách hàng nộp phí bảo hiểm năm đầu tiên
  • Công ty bảo hiểm xét duyệt hợp đồng (duyệt hợp đồng hoặc yêu cầu bổ sung chứng từ hoặc mời khám…)
  • Hợp đồng được duyệt cấp, sau đó được ký kết nhanh chóng bởi chữ ký điện tử

Nhờ có chữ ký điện tử mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể cấp mới hàng chục nghìn hợp đồng bảo hiểm mỗi tháng, qua đó giúp khách hàng được bảo vệ nhanh chóng theo đúng Quy định của Pháp luật.

2. Tính bảo mật và chính xác

Chữ ký điện tử có thể được bảo vệ bằng các biện pháp an ninh như mã hóa, giúp đảm bảo tính toàn vẹn và an toàn của hợp đồng. Hơn nữa, việc sử dụng chữ ký điện tử giảm thiểu rủi ro về giả mạo chữ ký tươi.

Khi bạn nhận được hợp đồng có chữ ký điện tử, bạn có thể an tâm về tính hợp pháp và các ràng buộc pháp lý với doanh nghiệp bảo hiểm.

Phía doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không thể nói rằng “chữ ký đó là giả mạo” bởi để có được chữ ký điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải khai báo với Cơ quan chức năng, họ được cung cấp tài khoản đăng nhập và thiết bị xác minh danh tính (ví dụ: usb) thì mới có thể tiến hành tạo ra chữ ký.

Việc sử dụng chữ ký điện tử sẽ giúp khách hàng luôn có lợi thế về mặt pháp lý trong tương lai.

3. Phù hợp với xu hướng số hóa

Các công ty bảo hiểm và nhiều tổ chức khác đang chuyển sang sử dụng công nghệ số để cải thiện hiệu quả hoạt động và tương tác với khách hàng. Chữ ký điện tử là một phần quan trọng của quá trình này.

Đa số các công ty bảo hiểm tại Việt Nam hiện tại đã có những ứng dụng tư vấn riêng, ứng dụng quản lý hợp đồng riêng,… Càng ngày họ càng đầu tư nhiều hơn vào công nghệ số. Giúp khách hàng có thể làm mọi thứ: từ đóng phí bảo hiểm, mua thêm quyền lợi, yêu cầu bồi thường, rút tiền mặt… chỉ với chiếc smart phone (thậm chí sau này công nghệ có thể thay đổi nhiều hơn nữa).

Một ví dụ ở thời gian gần đây, các Ngân hàng Việt Nam yêu cầu người dùng phải xác minh sinh trắc học để đảm bảo khả năng thực hiện giao dịch thông suốt. Chúng ta sẽ làm gì? Tiến hành xác minh để bắt kịp xu hướng số hóa hay thích làm theo cách cổ xưa là “ra chi nhánh ngân hàng để chuyển tiền cho mỗi lần giao dịch?”

Chúng ta sẽ chọn cách nhanh chóng và hiện đại đúng chứ? Bạn và tôi đều vậy!

Vậy thì tóm lại vấn đề bài viết hôm nay:

Một là, chữ ký điện tử là hợp pháp, có giá trị pháp lý như chữ ký trên văn bản.

Hai là, việc áp dụng chữ ký điện tử là hợp lý bởi nó giúp tối ưu mọi thứ cho doanh nghiệp bảo hiểm trong khi vẫn đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Ba là, khách hàng ở thời điểm hiện tại nếu có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, có thể tự quản lý thông qua các ứng dụng số. Thậm chí các giao dịch của khách hàng với công ty bảo hiểm như đóng phí, chi trả quyền lợi, … thực tế chỉ cần mang theo Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu (tùy theo lúc ký kết dùng loại giấy tờ nào) là đã được tiếp nhận xử lý.

Khách hàng không cần mang theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ theo người bởi dữ liệu đã được lữu trữ.

Thời gian tới, khi Chính phủ chấp nhận mọi giao dịch sử dụng VNeID (ứng dụng do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư – Bộ Công an Việt Nam phát triển) thì thậm chí bạn chỉ cần mang theo duy nhất cái Smart Phone có cài đặt ứng dụng là được.

Quá tiện lợi và hiện đại đúng không nào!

Cảm ơn bạn đã theo dõi hết bài viết, hi vọng chúng tôi đã làm bạn hài lòng. Hãy để lại comment nếu muốn chia sẻ thêm nhé!

5 1 vote
Đánh giá bài viết
Subscribe
Thông báo
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
cũ nhất
mới nhất Nhiều like nhất!
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
Giỏ hàng
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Lên đầu trang