Khi nào người mua bảo hiểm có thể hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ? Có thể khôi phục hợp đồng đã bị đơn phương chấm dứt không? Hãy cùng theo dõi những quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 để có câu trả lời bạn nhé!
1. Người mua bảo hiểm có thể hủy hợp đồng đã ký kết hay không?
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 21 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, người mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm theo các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 22 và Điều 35, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo Điều 26 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Các trường hợp cụ thể như sau:
(i) Trong tình huống doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cố ý không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch nhằm ký kết hợp đồng, người mua bảo hiểm có quyền hủy hợp đồng và được hoàn lại số tiền phí bảo hiểm đã nộp.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh nước ngoài đó còn phải bồi thường mọi thiệt hại phát sinh cho người mua bảo hiểm (nếu có).
(ii) Với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 1 năm, người mua bảo hiểm có thể từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm trong vòng 21 ngày kể từ khi nhận được hợp đồng bảo hiểm.
Khi từ chối tiếp tục tham gia, hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy và người mua bảo hiểm sẽ được hoàn lại số tiền phí đã đóng, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Doanh nghiệp bảo hiểm không phải chi trả tiền bồi thường hoặc tiền bảo hiểm nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm.
(iii) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc người mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong những trường hợp sau:
- Người mua bảo hiểm không thanh toán đủ hoặc không đóng phí bảo hiểm đúng thời hạn hoặc sau thời gian gia hạn.
- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc người mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu thay đổi mức độ rủi ro bảo hiểm theo quy định tại Điều 23 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
- Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp an toàn cho đối tượng bảo hiểm như quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
- Người mua bảo hiểm không đồng ý với việc chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm như quy định tại khoản 4 Điều 92 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Trong trường hợp này, người mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Lưu ý: Các bên có thể thỏa thuận để khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm đã bị đơn phương chấm dứt do người mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không thanh toán đúng thời hạn trong vòng 2 năm kể từ ngày bị chấm dứt, với điều kiện người mua bảo hiểm đã nộp đủ số phí còn thiếu (theo khoản 3 Điều 37 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
2. Hệ quả pháp lý khi người mua không đóng phí bảo hiểm dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Dựa theo điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm trước khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị đơn phương chấm dứt, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm chi trả số tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm. Đồng thời, họ cũng có quyền khấu trừ các khoản phí bảo hiểm tính đến thời điểm hợp đồng bị đơn phương chấm dứt.
Đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn trả cho người mua bảo hiểm số tiền giá trị hoàn lại của hợp đồng, trừ khi có thỏa thuận khác giữa các bên.
3. Trong trường hợp nào doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm?
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 40 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài sẽ không phải bồi thường hoặc chi trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:
(i) Người được bảo hiểm tử vong do tự tử trong vòng 2 năm kể từ ngày đóng phí bảo hiểm đầu tiên hoặc từ ngày hợp đồng bảo hiểm được khôi phục hiệu lực.
(ii) Người được bảo hiểm tử vong do hành động cố ý của người mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.
(iii) Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do chính bản thân, người mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng cố ý gây ra.
(iv) Người được bảo hiểm tử vong do bị thi hành án tử hình.
(v) Các trường hợp khác được quy định trong hợp đồng bảo hiểm.
Lưu ý: Các quy định tại khoản (ii) và khoản (iii) của mục này không áp dụng khi có nhiều người thụ hưởng. Trong trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hoặc thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vẫn phải chi trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Theo Pháp luật & bạn đọc