Thay đổi này là một trong những nội dung quan trọng của Thông tư 34/2024/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 30/6/2024 và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Thông tư 34 thay thế Thông tư số 40/2011/TT-NHNN quy định về cấp giấy phép và hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đang được các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm mong chờ. Điều 14 của Thông tư 34 cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và pháp luật liên quan. Theo đó, khi giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm, họ được phép thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các loại hình bảo hiểm.
Ban soạn thảo Thông tư 34 đã loại bỏ quy định cấm ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Điều này đã giải tỏa lo lắng của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, khi trước đó, bản dự thảo ban đầu quy định ngân hàng thương mại không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đã gặp nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng quy định này chưa phù hợp với pháp luật kinh doanh bảo hiểm và đề nghị vẫn cho phép ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đại lý đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật và Luật các tổ chức tín dụng 2024.
Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định chi tiết về bảo hiểm liên kết đầu tư từ Điều 97 đến Điều 113. Thông tư 67/2023/TT-BTC ngày 2/11/2023 của Bộ Tài chính cũng có nhiều quy định cụ thể về việc bán dòng sản phẩm bảo hiểm này. Chẳng hạn, các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trong vòng 60 ngày trước và sau khi giải ngân, đồng thời yêu cầu tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn. Ngoài ra, các kỳ thi về sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, với tỷ lệ đậu thấp hơn.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất rằng, để kiểm soát chất lượng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng, cần công bố tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm. Đây là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng hoạt động của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng. Nếu tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ hai không cao, điều này có nghĩa là nhiều khách hàng không thực sự có nhu cầu mua bảo hiểm nhưng vẫn bị “ép” mua.